Thần dân Nam Đường Lưu_Tòng_Hiệu

Ngày Đinh Hợi (24) tháng 8 năm Ất Tị (2 tháng 10 năm 945), Kiến châu thất thủ trước quân Nam Đường, Vương Diên Chính đầu hàng. (Vương Trung Thuận tử chiến, còn Đổng Tư An đem tàn quân chạy về Tuyền châu.) Ban đầu, gần như toàn bộ lãnh địa Mân cũ đều quy phục Nam Đường, bao gồm Lý Nhân Đạt tại Phúc châu. Sang năm 946, Lưu Tùng Hiệu viện cớ binh thế của Lý Nhân Đạt rất thịnh, rằng Vương Kế Huân thưởng phạt không phù hợp khiến sĩ tốt không nguyện lực chiến, buộc Vương Kế Huân phải nhượng lại quân phủ sự cho mình. Sau đó, Lưu Tùng Hiệu suất lĩnh binh sĩ công kích Lý Nhân Đạt, giành được đại thắng, sau đó dâng biểu cho hoàng đế Nam Đường Lý Cảnh, Lý Cảnh bổ nhiệm Lưu Tùng Hiệu làm Tuyền châu thứ sử, triệu Vương Kế Huân đến kinh thành Kim Lăng của Nam Đường, song cũng cho quân đến đóng tại Tuyền châu.[4]

Đến mùa thu năm 946, tướng tại Chương châu[c 4] là Lâm Tán Nghiêu (林贊堯) nổi loạn chống Nam Đường, sát hại Kiếm châu thứ sử Trần Hối (陳誨)- người Lý Cảnh phái đến Chương châu, và Giám quân Chu Thừa Nghĩa (周承義). Lưu Tùng Hiệu đem binh đánh đuổi Lâm Tán Nghiêu khỏi Chương châu; để Đổng Tư An tạm quyền cai quản Chương châu. Sau đó, Lý Cảnh bổ nhiệm Đổng Tư An làm Chương châu thứ sử. (Đổng Tư An ban đầu từ chối do cha tên là Chương, Lý Cảnh bèn đổi Chương châu thành Nam châu[5].)[4]

Trong khi đó, Lý Nhân Đạt từ chối nhường thực quyền tại Phúc châu, khiến Nam Đường suất quân tiến công, chỉ huy quân Nam Đường là Vương Sùng Văn (王崇文). Lý Nhân Đạt cầu viện Ngô Việt vương Tiền Hoằng Tá. Lý Cảnh sai Đổng Tư An và Lưu Tùng Hiệu đem quân trong châu chi viện cho Vương Sùng Văn. Theo tường thuật, quân của Vương Sùng Văn sa lầy, Vương Sùng Văn tuy là nguyên soái song Lưu Tùng Hiệu và Vương Kiến Phong (王建封) không phục không tuân lệnh, trong khi đó các quan văn Trần Giác, Phùng Diên Lỗ, Ngụy Sầm thì tranh quyền của Vương Sùng Văn.[4] Đến mùa xuân năm 947, liên quân của Lý Nhân Đạt và Ngô Việt đánh bại quân Nam Đường đang phân tán, có vẻ là do Lưu Tùng Hiệu và Vương Kiến Phong không muốn liên quân tái tập hợp và chiếm Phúc châu, kết thúc nỗ lực của Nam Đường trong việc đoạt quyền kiểm soát thực tế Phúc châu.[6]

Lưu Tùng Hiệu dẫn quân về Tuyền châu, nói với tướng đóng giữ của Nam Đường:[6]

Tuyền châu và Phúc châu nhiều đời thù địch. Phía nam là núi, biển, và xứ chướng độc, đất đai hiểm trở khô cằn. Do hưng binh liên tục nhiều năm, nông nghiệp và nghề nuôi tằm suy bại, nguồn thu từ thuế đông và hạ chỉ đủ cung cấp cho Tuyền châu. Sao làm phiền đại quân đóng giữ lâu ở đây!

Tướng đóng giữ của Nam Đường bất đắc dĩ phải dẫn binh rời khỏi Tuyền châu. Lý Cảnh không nghĩ ra cách để chế ngự Lưu Tùng Hiệu, nên ban cho ông chức "kiểm hiệu thái phó".[6]

Thời nhà Hậu Chu (951–960)

Năm 949, anh của Lưu Tùng Hiệu là Nam châu phó sứ Lưu Tùng Nguyện (留從願) dùng rượu độc giết Đổng Tư An và nắm quyền kiểm soát châu. Lý Cảnh không thể chế ngự, bèn đặt Thanh Nguyên quân tại Tuyền châu, bổ nhiệm Lưu Tùng Hiệu làm tiết độ sứ.[7] Không lâu sau, Lý Cảnh phong Lưu Tùng Hiệu chức Đồng bình chương sự kiêm thị trung, trung thư lệnh, phong Ngạc quốc công, Tấn Giang vương.[1]

Lưu Tùng Hiệu xuất thân hàn vi, biết được thống khổ của nhân dân, tại lãnh địa cần kiệm chăm lo cho dân. Ông thường mặc y phục thường dân, để công phục tại bên cửa quân phủ, sử dụng nó khi nghe các sự vụ chính thức, thể hiện nguồn gốc thường dân của mình, dân cực kỳ yêu mến, nội bộ an trị. Vương Diên Chính có hai con gái được gả cho người Tuyền châu, Lưu Tùng Hiệu đối đãi với họ rất kính trọng. Mỗi năm chọn lấy tiến sĩ, minh kinh, gọi là "thu đường".[1]

Năm 958, khi Hậu Chu tiến công Nam Đường, vào tháng 7 nhuận, Lưu Tùng Hiệu khiển nha tướng Thái Trọng Uân (蔡仲贇) mặc y phục của thương nhân đến Hậu Chu dâng một biểu xin quy phục Chu đế Quách Vinh. Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc sớm (khi Lý Cảnh nhượng lãnh thổ phía bắc Trường Giang cho Hậu Chu và xưng thần với Quách Vinh), và khi Lưu Tùng Hiệu lại sai sứ cống Hậu Chu, xin được đặt Tiến tấu viện tại kinh sư Khai Phong của Hậu Chu, trực tiếp lệ thuộc Hậu Chu. Ngày Mậu Dần (4) tháng 6 năm Kỉ Mùi (12 tháng 7 năm 959), Quách Vinh ra chiếu rằng Lý Cảnh đã quy phục và rằng Lưu Tùng Hiệu từ lâu đã theo Kim Lăng, không thể thay đổi.[8]